Cách đây vài tuần,ếnlượccóthểgiúpMỹhạnhiệtxungđộsáng kiến kinh nghiệm Trung Đông có vẻ tương đối yên bình, khi triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi trở thành đề tài chính thu hút quan tâm của cả khu vực. Mỹ và Iran cũng được kỳ vọng đi đến một thỏa thuận không chính thức về hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để được phương Tây giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.
Nhưng những hy vọng đó vụt tắt sau khi Hamas bất ngờ tấn công lãnh thổ Israel hôm 7/10. Tel Aviv đáp trả bằng các cuộc không kích vào Gaza nhằm làm suy yếu khả năng quân sự của Hamas, cắt đứt nguồn cung cấp điện, thực phẩm, nước và nhiên liệu tới khu vực. Israel cũng tuyên bố sẽ phát động chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza nhằm diệt trừ hoàn toàn Hamas.
Phản ứng đầu tiên từ phía Mỹ sau cuộc tấn công của Hamas là hết lòng ủng hộ Israel, trong đó có việc cung cấp viện trợ quân sự. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, những hỗ trợ đó bắt đầu đi kèm một số điều kiện, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện quan điểm phản đối Israel mở cuộc tấn công toàn diện nhằm kiểm soát Gaza.
Trong chuyến thăm tới Israel tuần qua, ông kêu gọi Tel Aviv kiềm chế, tránh các hoạt động quân sự có thể gây tổn hại cho dân thường, đồng thời cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza. Lời kêu gọi này cũng được nhắc lại trong bài phát biểu của Tổng thống Biden trước toàn nước Mỹ ngày 19/10.
Theo giới quan sát, chính quyền Biden rõ ràng đang lo lắng rằng kế hoạch tấn công vào Dải Gaza của Israel có thể khiến xung đột leo thang, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như giá dầu tăng cao, suy thoái kinh tế và làm suy giảm danh tiếng của Mỹ trên trường quốc tế khi không thể ngăn cuộc khủng hoảng lan rộng.
Richard Haass, chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức tư vấn có trụ sở tại New York, Mỹ, nhận định với những gì đang diễn ra, Israel nhiều khả năng sẽ kiên quyết gây sức ép quân sự cho đến khi họ nhận thấy rằng Hamas đã suy yếu đáng kể và không thể thực hiện thêm bất kỳ cuộc tấn công nào khác.
"Mục đích này là chính đáng", ông nói. "Nhưng Mỹ cần gây áp lực để Israel đặt ra các mục tiêu có thể đạt được trong chiến dịch tấn công".
Theo ông, chiến lược của Mỹ không phải là tìm mọi cách ngăn hành động quân sự của Israel, điều gần như không thể tránh khỏi, mà là xác định rõ quy mô và thời gian của chiến dịch tấn công trên bộ, nhằm vạch một giới hạn để Tel Aviv ngừng bắn khi chạm đến ngưỡng đó.
Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh những "cái đầu nóng" ở Israel đang sôi sục ý chí báo thù, muốn hủy diệt Hamas hơn bao giờ hết, Haass nhận xét.
Trong phát biểu hôm 19/10, Tổng thống Biden đã thừa nhận rằng nước Mỹ cũng có chung tâm lý sục sôi như vậy sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, nhưng đã phải trả giá với những "cuộc chiến vô tận" ở Trung Đông.
"Tôi xin cảnh báo rằng chúng ta đừng để lửa giận làm mờ lý trí", ông Biden nói. "Sau vụ 11/9, chúng tôi đã vô cùng giận dữ. Khi tìm cách đòi công lý, chúng tôi đã phạm sai lầm".
Theo chuyên gia Haass, thông điệp mà ông Biden đưa ra là những người ra quyết sách về an ninh quốc gia phải có tầm nhìn xa hơn những hành động trước mắt. "Là người bạn và đồng minh thân cận nhất của Tel Aviv, Mỹ cần sát cánh với Israel để đưa ra lời khuyên tốt nhất", Haass nói.
Theo ông, sau chuyến thăm Israel của Tổng thống Biden, Mỹ nên áp dụng chiến lược hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, đang được tiến hành, là cố gắng ngăn chặn tình huống xấu trở nên tồi tệ hơn, dần ổn định tình hình để cung cấp thời gian và không gian cho nỗ lực ngoại giao.
Hiện tại, triển vọng về một lệnh ngừng bắn có thể được hiện thực hóa theo hai hướng. Một là Israel giảm thiểu thương vong cho dân thường Palestine bằng cách chỉ tiến hành các cuộc tập kích chính xác khi có thông tin tình báo cụ thể về vị trí của các lãnh đạo Hamas, kết hợp các cuộc đột kích nhỏ trên mặt đất.
Thứ hai, Israel có thể đồng ý dừng không kích để cho phép thực phẩm và hàng viện trợ nhân đạo đến được với dân thường ở Gaza, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi con tin. Điều này cũng có thể trở thành động lực thuyết phục Hamas và các nhóm vũ trang khác đồng ý dừng các cuộc tấn công rocket vào Israel.
Ngoài ra, Israel phải tìm cách đưa nhiều con tin nhất có thể ra khỏi Gaza càng nhanh càng tốt, Haass nhấn mạnh. Một chiến dịch giải cứu vũ trang sẽ là phương án nguy hiểm nhất. Con đường thực tế hơn để cứu con tin là trao đổi họ với các tay súng Hamas hoặc những tù nhân Palestine khác đang bị Israel giam.
Khi tình hình đã ổn định hơn, Mỹ có thể chuyển sang giai đoạn thứ hai, thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi cũng như giữa Israel và Palestine.
"Mỹ nên tiếp tục cung cấp cho Israel vũ khí và thông tin tình báo cần thiết, đồng thời khuyên Israel từ bỏ một cuộc tấn công và chiếm đóng quy mô lớn ở Gaza", Haass nói. "Một cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ gây thương vong đáng kể cho Israel và nhiều khả năng không thể tiêu diệt được Hamas".
Lý do khác khiến Tel Aviv không nên phát động tấn công là một cuộc giao tranh dữ dội ở Gaza với hình ảnh thương vong của thường dân Palestine chắc chắn sẽ khiến Hezbollah, lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Lebanon, phóng hàng nghìn rocket vào miền bắc và miền trung Israel, từ đó khiến xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Mỹ nên cho Iran thấy rõ rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Hezbollah làm điều này thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, giới chuyên gia nhận định.
Một số người sẽ lập luận rằng Israel không nên chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Hamas duy trì vai trò của mình ở Gaza. Nhưng ý tưởng về việc Israel kiểm soát Gaza để tạo bước đệm cho một chính quyền mới thay thế Hamas tại khu vực này là rất xa vời. Viễn cảnh Chính quyền Palestine, các nước Arab hoặc Liên Hợp Quốc can thiệp để quản lý Dải Gaza cũng không khả thi ở hiện tại, Haass cho hay.
Thiệt hại chính với Israel sau cuộc đột kích ngày 7/10 không phải từ trên không mà là từ các cuộc tấn công trên mặt đất. Vì vậy, Tel Aviv hiện tại cũng nên ưu tiên xây dựng lại hệ thống phòng thủ ở phía tây nam đất nước, giáp Dải Gaza.
Tạo ra một mức độ ổn định nhất định sẽ là tiền đề để khôi phục các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết những vấn đề cốt lõi giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng là một thách thức rất lớn.
Các cuộc đàm phán về tương lai người Palestine chỉ có thể trở nên khả thi nếu Hamas không tham gia vào quá trình này. Trọng tâm trong chiến lược của Israel là phát triển một đối tác Palestine ở Bờ Tây, bên sẵn sàng từ bỏ bạo lực và chung sống hòa bình cùng Israel.
Nếu kịch bản này thành công, theo thời gian, nó có thể dẫn đến việc thành lập một nhà nước đủ khả năng đại diện cho người Palestine ở cả Bờ Tây và Dải Gaza, từ đó xóa bỏ vai trò của Hamas, theo Haass.
Arab Saudi cũng có thể tham gia tích cực vào quá trình hóa giải xung đột. Tiến trình thường hóa quan hệ giữa Riyadh và Tel Aviv đã bị trì hoãn do các sự kiện gần đây, nhưng hoàn toàn có cơ hội được khôi phục.
Một bài học mà Arab Saudi đã rút ra là họ không thể phớt lờ vấn đề Palestine. Trong bối cảnh hiện nay, họ có thể làm theo những gì Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã thực hiện khi bình thường hóa quan hệ với Israel: chỉ chấp nhận tiến trình này khi Israel đồng ý với các chính sách của họ về Palestine.
Arab Saudi có thể yêu cầu Israel hạn chế xây mới khu định cư của người Do Thái, tăng cường quyền tự quản cho người Palestine hay cam kết không xâm phạm lãnh thổ của Palestine.
"Đề nghị của Arab Saudi theo hướng này sẽ buộc chính phủ và xã hội Israel phải tranh luận về các ưu tiên và lựa chọn giữa một Israel mở rộng hơn về lãnh thổ, hay một nền hòa bình ổn định hơn", Haass bình luận.
"Song giai đoạn ngoại giao thứ hai này chỉ có thể bắt đầu khi cuộc khủng hoảng hiện nay đã lắng xuống", ông lưu ý. "Đây thực sự là một chương trình nghị sự khó khăn, nhưng ít nhất nó đang được Mỹ cùng các đồng minh xúc tiến".
Vũ Hoàng(Theo WSJ)