Tọa đàm "Ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục" diễn ra chiều 6/10,ếchuyểnđổisốtronggiáodụkwin68 thuộc ngày hội "Chuyển đổi số - Không gian Khởi nghiệp sáng tạo năm 2023" do UBND quận 7 (TP HCM) tổ chức, kéo dài xuyên suốt hai ngày 6-7/10.
Mở đầu phiên tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan - Phó chủ tịch UBND quận 7 đánh giá chuyển đổi số là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò to lớn, tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, từ đó giúp việc học, hấp thụ kiến thức của người học trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
"Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển được khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian", bà Ngoan nhận xét.
Từ đó, lãnh đạo quận đưa ra các định hướng trong việc tiếp cận cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành, cải cách trong tổ chức tuyển sinh đầu vào, quy hoạch mạng lưới trường lớp luôn hướng đến việc xây dựng phòng học thông minh...
"Tọa đàm tổ chức với kỳ vọng tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận, sinh viên tiếp cận sâu hơn, tìm hiểu được thêm nhiều giải pháp học tập hiệu quả", bà Ngoan chia sẻ.
Sau bài phát biểu mở màn, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM trình bày tham luận về ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục. Theo ông chuyển đổi số ngành giáo dục không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin, mà còn thay đổi quy trình. Tín hiệu tích cực là hiện nay có hơn 1,7 triệu hồ sơ học sinh đã được xác thực định danh với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đạt tỷ lệ 99,2%. Tuy nhiên hành trình tiệm cận đến con số 100% còn rất khó khăn, cần sự kết hợp của nhiều đơn vị.
Dựa vào dữ liệu gốc, ngành giáo dục đã triển khai những giải pháp chuyển đổi số như: Trục tuyển sinh đầu cấp sử dụng dữ liệu ngành tạo thuận lợi cho phụ huynh khi không cần nộp hồ sơ giấy, không cần khai báo dữ liệu đã có sẵn; Xây dựng sổ đầu bài điện tử; Số hóa thủ tục chuyển trường; Số hóa trong các hệ thống quản lý học tập LMS có dữ liệu học sinh, giáo viên, phân công giảng dạy, thời khóa biểu được liên thông từ cơ sở dữ liệu ngành.
Sở đề ra mục tiêu đến 2030 dựa vào Big Data và AI xây dựng được một môi trường học tập hướng đối tượng, gắn bó chặt chẽ với điều kiện đặc thù và nhu cầu riêng của từng cá nhân người học.
Cùng với đó là tận dụng khả năng của AI giúp phân tích, theo dõi quá trình học tập của học sinh, định hướng phát triển bản thân và tự quản lý việc tiếp thu kiến thức một cách phù hợp với năng lực học sinh, giúp nhà quản lý có những thông tin chính xác để đưa ra quyết định; Tận dụng khả năng đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu của công nghệ Blockchain để hạn chế những vấn đề về gian lận như sửa điểm, giả mạo điểm, giả mạo bằng cấp.
Tiếp nối, Tiến sĩ Hà Tuấn Anh - Trưởng bộ môn Quản trị doanh nghiệp, Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Đại học FPT trình bày về chuyển đổi số phù hợp từng cấp học. Ông đánh giá chuyển đổi số trong giáo dục nằm trong xu hướng chung, bức tranh chuyển đổi số rộng lớn và bao gồm nhiều khía cạnh.
Để chuyển đổi số thành công, các cơ sở giáo dục cần lộ trình dài qua nhiều bước. Bước đầu tiên là số hóa các sản phẩm giáo dục như tài liệu, bài giảng... Quá trình này thực tế đã triển khai từ những năm 90. Tiếp theo là số hóa các quy trình quản lý. Bước này đòi hỏi các nhà quản lý nghiên cứu kỹ vì quy mô rộng, tác động nhiều người.
Định hướng của FPT là tạo ra trường học trải nghiệm, trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng, năng lực sống, tư duy sáng tạo bên cạnh cung cấp kiến thức. Tiến sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh công nghệ, chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm. FPT có lợi thế là đơn vị phát triển công nghệ, nhiều sản phẩm hữu ích áp dụng trong giáo dục.
"Hiện học sinh, sinh viên chịu khó tiếp thu, tìm tòi và thích thú với công nghệ. Điều này quan trọng để phát triển tư duy, tham gia vào đổi mới sáng tạo", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Tổ chức Giáo dục FPT hiện có nhiều chương trình học thiết kế dựa trên STEM MBA. Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp liên môn (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học) giúp người học ứng dụng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Ông Trần Sơn Hải - Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Sư phạm TP HCM đồng ý với nhận định của tiến sĩ Tuấn Anh về lộ trình chuyển đổi số. Ông cho rằng từ đầu các cơ sở giáo dục nên xác định muốn chuyển đổi số hay chỉ muốn số hóa, tin học hóa. Xác định rõ giúp các trường lựa chọn được nền tảng công nghệ phù hợp.
"Đây không đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà là thay đổi cả quy trình", ông Hải nói và khẳng định quy trình mới này phải giúp tiết kiệm sức lao động, thời gian, tăng năng lực của giáo viên, học sinh.
Ông Hải cho rằng thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số là có rất nhiều công nghệ để hỗ trợ người dạy và học. Trong đó, AI được liệt kê là yếu tố mới nhưng mang tính sống còn, xu hướng tất yếu trong giáo dục. AI có thể hỗ trợ chuyển văn bản thành giọng nói, hỗ trợ tư vấn cho học viên.
Trong khi đó, IoT giúp quản lý các thiết bị trong trường học như đèn, điện, thiết bị in ấn từ xa. Cloud giúp lưu trữ, bảo mật dữ liệu giáo dục. Big Data giúp phân tích những tri thức trong dữ liệu. Blockchain là công nghệ mới, có thể hạn chế được sự chỉnh sửa, đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu.
Bổ sung nhận định của ông Hải, PGS. TS. Lê Anh Cường - Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định AI là công nghệ phát triển nóng và thịnh hành trong giáo dục trong tương lai.
Ông phân tích AI gồm hai công nghệ chính là học sâu và các mô hình tạo sinh. Trong đó, AI tạo sinh là cao cấp hơn vì đây là năng lực vốn có của con người. Công nghệ tạo sinh dùng cơ chế mạng nơ ron để mã hóa dữ liệu đầu vào có khả năng sáng tạo nội dung theo yêu cầu như soạn giáo án, ra bài tập, các bài kiểm tra năng lực.
Lợi ích của AI tạo sinh còn nằm ở việc chuyển đổi tri thức như chuyển kiến thức hay các báo cáo, nghiên cứu của một giáo sư nước ngoài thành văn bản tiếng Việt. Công nghệ còn có khả năng biến văn bản thành giọng nói, có tiềm năng trở thành trợ lý ảo, giải đáp thắc mắc cho học sinh bằng ngôn ngữ tự nhiên. Ông Cường khẳng định AI tạo sinh hữu ích với những học sinh đặc biệt như trẻ khuyết tật, khiếm thính hay khiếm thị.
"Nhưng cũng có những hạn chế. Lạm dụng AI dẫn đến thiếu tương tác con người, thiếu năng lực tư duy. Đạo đức AI trong bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận kho dữ liệu cũng là điểm cần lưu tâm", đại diện trường Đại học Tôn Đức Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ về quá trình hội nhập thời đại số của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ThS Nguyễn Tuấn Kiệt - Trưởng Ban quản lý đào tạo Khoa Y nêu khái quát quá trình hình thành và phát triển và các bước xác định mục tiêu trong chuyển đổi số giai đoạn tiếp theo.
Theo thạc sĩ, chuyển đổi số trong dạy và học không thể chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà phải còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.
Thời gian tới, trường sẽ tổ chức triển khai chuyển đổi số trên nguyên tắc lấy người học làm trung tâm, lấy sự thuận tiện và sự hài lòng của người học làm thước đo sự thành công trong chuyển đổi số.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên - chuyên gia giáo dục Microsoft kiêm Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Giáo dục InnEdu, giới thiệu về nền tảng chia sẻ đề bài kiểm tra và nộp kết quả, nền tảng lên lịch học...
Tọa đàm khép lại với phần hỏi đáp. Nhiều cán bộ giáo viên, sinh viên, đoàn viên đặt câu hỏi đến lãnh đạo quận và đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM về tính khả thi và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong giáo dục.
Ngày hội "Chuyển đổi số - Không gian Khởi nghiệp sáng tạo năm 2023" tiếp tục diễn ra vào ngày 7/10 với vòng chung kết cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, giải chạy online và offline, đêm nhạc.
Quế Anh - Hoài Phương