Trên chiếc ghế đá cũ kỹ ven bờ hồ,ườtruyenaudio một ông lão khắc khổ nhìn về phía ngã tư đường. Đôi mắt đượm buồn. Đốm lửa lập lòe của điếu thuốc lá trên tay dường như không sưởi ấm được tâm hồn lão. Khói phả ra đùng đục tan vào không gian rộng lớn. Mái tóc lốm đốm bạc dưới ánh nắng yếu ớt làm tô đậm thêm nét cô độc. Tôi gật gù ngắm nghía rồi tặc lưỡi: "Chà, nhìn ông lão quen quá, gặp ở đâu rồi nhỉ?".
- Cháu vẽ tôi đấy à?
Ông lão đã đứng sau lưng tôi từ lúc nào. Tôi ngượng ngùng đáp lại:
- Cháu… xin lỗi.
Ông tỏ vẻ bực bội bỏ đi. Chiếc bóng đổ dài khuất xa dần và mất hút trong buổi hoàng hôn tĩnh mịch. Chiều hôm ấy, tôi cứ day dứt mãi vì làm phật lòng ông lão.
Đêm đến. Cái lạnh như cắt vào thịt. Trải thêm một lớp chăn bông, tôi vẫn còn run bần bật. Những lúc thế này tôi lại nhớ tô phở bò nóng của mẹ. Không biết giờ này, ba mẹ đã ngủ hay đang trằn trọc. Năm ngoái, ba bán mớ lúa trong kho để chạy vạy cho tôi một suất hợp đồng giảng dạy Mỹ thuật ở quê. Tôi hậm hực không chịu. Thế là ba tức giận đuổi tôi ra khỏi nhà: "Mày đi cho khuất mắt tao". Tự ái nổi lên, tôi thu gom đồ đạc rời đi và không nhìn ba thêm một lần nào nữa, chỉ nghe tiếng thút thít của mẹ. Lên thành phố, tôi thuê một căn phòng trọ nhỏ trên tầng thượng. Mẹ vẫn lén gửi tiền cho tôi trang trải. Mỗi ngày, tôi lang thang khắp nơi để vẽ chân dung cho khách vãng lai. Lúc ế ẩm, trốn vào một góc phố vẽ trời mây, phong cảnh rồi đem bán rẻ cho một người quen. Buổi tối, tôi còn làm thêm ở shop quần áo trẻ em. Công việc vất vả nhưng tôi hài lòng vì có thêm thu nhập.
Như thường lệ, hôm nay tôi lại đến cửa hàng. Những ngày sắp tết quần áo về nhiều. Thế nhưng, đồ ấm là chạy nhất. Trong lúc, sửa soạn đồ trên ma-nơ-canh, tôi giật mình khi thấy ông lão cầm chiếc ô màu đen đứng bên ngoài. Đôi mắt rưng rưng chăm chú nhìn chiếc áo lông cừu màu trắng trên tay tôi.
- Nhạn ơi, em lấy mấy mẫu này cho khách.
- Dạ!
Tôi vội vã bước lên cầu thang. Lúc xuống thì ông đã không còn ở đấy.
Mười một giờ khuya, sau khi dẹp xong, tôi lại gần chị chủ thỏ thẻ:
- Chị Linh! Chị có biết ông cụ cầm chiếc ô màu đen đó không?
- Ông cụ cầm chiếc ô nào? À! Chị nhớ rồi. Ông ấy vẫn đến đây mỗi ngày.
Thì ra là vậy. Thảo nào lần đầu gặp ở bờ hồ tôi lại thấy quen quen. Đôi mắt ông khá đặc biệt. Hốc mắt sâu và nhăn nheo. Không hiểu sao cứ thấy ông lão là lòng tôi lại buồn. Trong suốt những ngày sau đó, trời mưa. Mưa chỉ đủ làm ẩm ướt con đường trước khi kết thúc một mùa đông tẻ nhạt. Tôi đều đặn đến bờ hồ mỗi chiều và shop quần áo mỗi tối nhưng không gặp ông. Sự bất an khiến tôi không tập trung được vào công việc. Đã mấy hôm nay, chẳng vẽ nổi một bức nào…
Một ngày đầu xuân, trời tạnh nhưng vẫn còn u ám. Những chiếc chồi non vẫn còn nấp kỹ đâu đó trên cành cây trơ trọi. Tôi mang giá vẽ dạo quanh con đường quen thuộc. Bất chợt tôi mừng rỡ khi nhìn thấy ông lão. Vẫn trên chiếc ghế đá, ông nhìn về phía ngã tư buồn khôn tả. Lần này, ông không còn châm thuốc mà đưa tay lên miệng ho sặc sụa. Tay trái nắm chặt chiếc ô, khuôn mặt tái nhạt, môi khô ráp. Có lẽ, ông ấy vừa trải qua những ngày ốm nặng.
- Này cháu…
Trong khi tôi đang ngơ ngác thì ông lão không ngừng ho, bàn tay run run ngoắc tôi.
- Lại đây.
Vừa nói ông vừa mở chai dầu chấm vào cổ họng. Có lẽ đây là cách để kiềm cơn ho dai dẳng.
Tôi hơi sợ nhưng vẫn tiến lại gần và ngồi bên cạnh. Đôi mắt đượm buồn nhìn tôi mỉm cười.
- Cháu là họa sĩ à?
- Vâng!
- Một bức vẽ bao nhiêu tiền?
- … Rẻ thôi ạ - Tôi ngập ngừng.
Ông cụ mở chiếc bao ni lông màu đen lấy ra một xấp tiền thẳng tắp và một tấm ảnh. Bàn tay run rẩy nâng niu.
- Chừng này đủ chưa cháu? Vẽ cho tôi một bức tranh có tôi và con trai tôi.
Tôi cầm lấy bức ảnh cũ, đã loang màu. Đó là một đứa bé trai khoảng chừng bốn tuổi trong chiếc áo lông cừu màu trắng trông giống hệt chiếc áo trưng bày ở cửa hàng. Đôi mắt sáng ngời. Đôi môi chúm chím ngồi bên giàn hoa thiên lý. Thấy tôi vẫn chăm chú nhìn, ông lão giúi mớ tiền vào tay tôi. Tôi vội vàng từ chối.
- Cháu sẽ vẽ tặng nếu được ông mời một cốc trà ạ.
Tôi chỉ tay về phía cô bán nước đang đẩy chiếc xe tới rồi nhanh nhẹn lôi chiếc giá đỡ và hộp cọ. Chuẩn bị xong thì ông lão cũng vừa bưng trà đến. Tôi đưa lên miệng húp một ngụm. Thấy tôi nhăn mặt, ông bảo:
- Đắng, chát thật nhưng thơm và đọng lại chút vị ngọt ở cổ.
- Dạ. Vị ngọt thật dễ chịu - Tôi cười.
Ông cụ đặt ly trà xuống ghế đá, khuôn mặt trầm ngâm:
- Bốn mươi tuổi tôi mới kết hôn. Lúc đứa con trai còn đỏ hỏn, mẹ nó đã bỏ đi theo người khác. Tôi gác hết công chuyện làm ăn, chạy vạy đi xin sữa khắp nơi. Nhờ trời đất thương tình, nó cũng bụ bẫm, khỏe mạnh…
- Giờ anh ấy ở đâu ạ?
- Ngày đó, nó tròn bốn tuổi. Tôi gửi con cho một người quen rồi đạp xe đi mua quà sinh nhật. Khi quay trở về, tôi tá hỏa khi thấy người bạn hốt hoảng tìm kiếm nó. Tôi đi khắp nơi, kêu tên con trong vô vọng. Có người bảo nó bị bắt cóc. Tôi suy sụp. Rồi có người lại gieo chút hy vọng rằng đã bắt gặp vợ tôi dắt nó vào cửa hàng quần áo, mua cho nó mớ đồ. Họ đã rời thị trấn trên chuyến xe buýt ở ngã tư đường. Từ đó biệt vô âm tín.
Lão vừa nói vừa chỉ tay vào tiệm quần áo nơi tôi làm việc. Rồi ông nhìn về hướng ngã tư, mếu máo:
- Con cái sống với mẹ có lẽ cũng tốt. Thế nhưng, người làm cha này phải sống ra sao khi không có một tin tức gì về con. Cảm giác mất mát đeo bám tôi suốt ngần ấy năm trời. Tôi vẫn cố gắng sống, vẫn ở đây chờ đợi và luôn tin một ngày nào đó nó xuất hiện trước mắt tôi.
Tôi im lặng. Thật ra là tôi không giỏi an ủi người khác, cũng không dám nhìn thẳng vào mắt cụ. Đôi mắt khốn khổ ấy sẽ bóp chết trái tim của một đứa con cứng đầu như tôi mất thôi. Nghẹn ngào nhấm nháp chút nước trà, tôi nhìn lên bầu trời vừa hé một mảng nhỏ màu xanh nhạt. Ông vẫn ngồi đấy, tay xiết chặt chiếc cốc, thỉnh thoảng ho sằng sặc. Tôi bắt đầu vẽ những nét đầu tiên.
Khi cốc trà vừa cạn thì bầu trời u ám cũng bị xé toạc bởi những tia nắng ấm áp của ngày đầu xuân. Tôi nâng niu bức vẽ trong tay, cẩn thận đóng khung và đưa cho ông lão. Những giọt nước mắt rơi dài xuống gò má hốc hác, bàn tay run run nhẹ nhàng sờ lên hai khuôn mặt trên bức tranh.
- Đã ba mươi năm, người cha mái tóc bạc nửa đầu. Còn nó vẫn mãi chỉ là đứa trẻ bốn tuổi.
- Cháu xin lỗi. Cháu… không hình dung ra lúc trẻ ông như thế nào để vẽ.
- Không! Ta rất ưng ý. Cảm ơn cháu.
- Ông à! Cháu tin là ông sẽ gặp lại anh ấy sớm thôi.
Không hiểu sao một đứa khô khan như tôi có thể nói ra được những lời động viên như vậy. Nó thật sự đã làm ông mỉm cười. Nụ cười vừa hiền hậu vừa ấm áp. Có vẻ ông rất vui và không ngừng nói cảm ơn. Cơn ho húng hắng mãi không dứt, ông lão cúi đầu thay cho lời chào tạm biệt. Tôi vẫn ở đấy nhìn theo từng bước chân chậm chạp, lòng nhẹ tênh.
Khuya hôm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ. Trong cuộc sống này, có nhiều thứ ta thấy quá quen thuộc, gần gũi đến bình thường nhưng với người khác lại là cả một niềm ao ước. Tự dưng tôi nghĩ đến ba. Nhớ lại lúc xếp áo quần vào vali, ba đứng ngoài cửa nhìn vào phòng như muốn nói điều gì, thế nhưng khi bị tôi bắt gặp thì ông lại bỏ đi. Ánh mắt vừa tràn đầy yêu thương vừa bất lực. Mẹ tôi kể, mỗi ngày ba vẫn vào phòng tôi quét dọn, lau chùi rồi thở dài. Khi mẹ gọi điện thoại, ông ấy vẫn ngồi bên cạnh vờ như đọc báo, nhưng thỉnh thoảng bật cười vì câu chuyện hài hước của mẹ con tôi. Có lẽ, suốt bao năm qua tôi chưa hiểu ba mình. Thay vì ngồi tâm sự với ba thì tôi lại cứ gắt gỏng lên. Cảm giác ân hận đè nén khiến tôi ngồi bật dậy, vừa thu dọn đồ đạc, vừa khóc nức nở.
Hôm sau đó là một ngày nắng ấm. Tôi đến chỗ làm xin nghỉ rồi ghé qua bờ hồ ngồi đợi thật lâu. Mãi đến chiều tối vẫn không thấy ông già trên chiếc ghế đá cũ. Tôi buồn bã xách ba lô rời đi. Có lẽ cả cuộc đời này tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại ông cụ. Chuyến xe cuối ngày rời khỏi thành phố nhộn nhịp. Tôi ngoảnh lại nhìn những bóng đèn đủ màu sắc lập lòe trong màn đêm. Bất chợt, một ngôi sao băng vụt qua. Tôi nhớ lại câu chuyện về sao băng giúp điều ước thành sự thật của mẹ. Thế nhưng, những dòng chữ trong cuốn sách nào đó cứ hiện ra trong đầu tôi "Sao băng còn gọi là sao rơi hay sao đổi ngôi. Khi ta thấy một ngôi sao rơi xuống cũng là lúc một linh hồn đang bay lên trời". Tôi thốt lên: "Không đâu! Nó hẳn là ngôi sao may mắn". Tôi nhắm mắt cầu nguyện cho ông lão. Hy vọng ở nơi nào đó trong thành phố, ông vẫn sống thật mạnh khỏe để gặp lại đứa con của mình. Một giọt nước âm ấm lăn dài xuống má. Tôi trở mình nghiêng người ra cửa sổ. Khúc nhạc trên xe bác tài làm tôi chú ý. Bản piano của bài hát Cha và con gái nghe thật buồn. Nhẩm theo giai điệu, tôi lim dim vào giấc ngủ. Trong mơ, tôi thấy cả ba tôi và ông lão đang mỉm cười.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 của BáoThanh Niênđề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trangSống đẹpcủa BáoThanh Niên.